chapcanhtinhyeu.wap.sh
SỨC KHỎE LÀ VÀNG


Lược xem: 6
>>Tìm bệnh theo tên(nhập chữ cái đầu tiên tên bệnh bạn muốn tìm)
ABCDEGHLMNOPQRSTUVX
Nha đam - Từ huyền thoại đến y học Ba năm trước, TS. Peter Atherton, Đại học Oxford từng nghe về tác dụng chữa bệnh eczema của cây nha đam nhưng nó không mấy khiến ông chú ý. Không ngờ rằng, câu chuyện đó đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về y học của Peter Atherton. Ông đã dành toàn bộ thời gian của mình để nghiên cứu về các tác dụng chữa bệnh của loài cây này.

Cái tên nha đam hay còn gọi là lô hội (Aloe vera, True aloe...) bắt nguồn từ tiếng Ảrập - "Alloeh" có nghĩa là "thuốc đắng". Từ thời cổ đại, loại thuốc này đã được dùng để làm thuốc nhuận tràng bởi táo bón là một chứng bệnh được coi là cực kỳ nan giải thời kỳ đó.

Nha đam - thứ tài sản kỳ diệu mà trải qua quá trình lịch sử, con người đã ban tặng cho nó rất nhiều cái tên mỹ miều như thảo dược, đũa thần hay cây của sự sống...


Từ huyền thoại

Peter Atherton không thể tin rằng cây nha đam kết hợp với sáp ong có thể tạo ra một môi trường vô trùng để ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh eczema - trong khi tất cả các loại thuốc hay kem thoa khác không thể làm được điều này. Nó khiến ông quan tâm nhiều hơn đến công dụng của nha đam và ông bắt đầu đi tìm hiểu các công dụng của loài cây này để có được một lời giải thích khoa học.

Từ người Ai Cập cổ đại, người Hy Lạp, La Mã... hay trong văn học Ấn Độ, Trung Quốc đều nhắc tới các phương pháp chữa bệnh bằng cây nha đam. Ngoài ra, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra Nerfertiti đã sử dụng nha đam để duy trì nét đẹp thanh xuân của mình. Alexander đại đế năm 333 trước Công nguyên đã cho sử dụng nha đam để chữa trị cho các chiến binh bị thương của mình. Thậm chí, Lignin aloe - một loại nha đam có mùi thơm còn được sử dụng làm một thành phần trong các thảo dược dùng để ướp xác.

Năm 1693, một thương nhân người Anh đã dành số tiền đáng kể nhập khẩu nha đam về London để làm thuốc. Trong suốt thể kỷ XVIII - XIX, nha đam được coi như một loài thảo dược được sử dụng rất phổ biến - một loại thuốc không cần kê đơn bởi bác sĩ. Nha đam có thể dùng làm thức uống dinh dưỡng hay thuốc tăng lực. Thứ nhựa tiết ra từ lá nha đam có thể dùng như là một loại kem thoa hay mỹ phẩm dưỡng da.

Đến loại thảo dược quý

Nhựa của nha đam xử lý rất tốt đối với các tổn thương da như bỏng hơi chẳng hạn. Bạn chỉ cần ngắt ngay một lá nha đam - bóp lấy lớp gel bôi vào vùng da bị bỏng. Lập tức, sự đau rát sẽ giảm nhanh chóng và vết thương này sẽ sớm lên da non mà không để lại sẹo. Chính Peter đã uống nhựa nha đam tươi hàng ngày và sau 10 ngày thì ông nhận thấy các chứng viêm mạn tính do hậu quả của 20 năm hút thuốc lá đã chấm dứt. Điều quan trọng nhất là ông cảm thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều. Ông bắt tay vào nghiên cứu công dụng của nha đam trên các tế bào biểu mô bị tổn thương và đối với hệ miễn dịch.

Các bệnh nhân mắc chứng mề đay và chứng nổi mụn nhọt trên da mặt đã sử dụng nhựa nha đam để bôi 2 lần một ngày và họ rất phấn khởi khi nhìn thấy sự thuyên giảm của bệnh. Thậm chí, nha đam còn có tác dụng đối với vết loét da ở người cao tuổi - lớp da này mọc da non và không để lại dấu vết. Sau khi điều trị, các bệnh nhân đều nhận xét rằng làn da của họ trở nên mềm mại hơn, nhẵn mịn hơn.

Điều này có được là do gel của nha đam tươi có tác dụng như một loại kem chống khô da tự nhiên; Thứ hai, nha đam hấp thu vào da, kích thích các tế bào tái tạo nhanh hơn, làm cho làn da trở nên đàn hồi và ít nếp nhăn hơn; Thứ ba, nha đam làm cho bề mặt da trở nên mịn mượt bởi nó có tác dụng liên kết trên bề mặt tế bào biểu bì và ngăn ngừa sự lão hóa trên da.

TS. Ivan Danhof, một bác sĩ người Mỹ đã tiến hành thử bôi gel nha đam lên một bên cánh tay của mình trong một thời gian dài. Kết quả là ông có một bên cánh tay với làn da trẻ trung như mới ngoại tứ tuần, còn cánh tay bên kia lớp da nhăn nheo của một ông già 70 tuổi.

Những người bị viêm khớp, sau khi ăn nha đam thường xuyên đã giảm đáng kể các cơn đau khớp bởi nha đam có công dụng kháng viêm. Ăn nha đam thường xuyên cũng cải thiện được chứng táo bón bởi nha đam có tác dụng rất tốt trong việc xử lý các chứng đầy hơi, viêm ruột, phân nhầy...

Nha đam được sử dụng tốt nhất khi vừa được hái từ cây bởi nhựa của nó nhanh chóng bị ôxy hóa khi tiếp xúc với không khí. Loài cây này phát triển tốt trong khí hậu ấm áp và đất đai màu mỡ.


Các thành phần chính trong cây nha đam

Vitamin: Cây nha đam rất giàu vitamin, gồm vitamin D, A, C, E và thậm chí có cả vitamin B12 - rất ít thực vật có vitamin này. Điều này cực kỳ có ích cho những người ăn chay.

Enzym: Nha đam chứa các enzym oxidase, amylase, catalase, lipase - các enzym cần thiết để phân giải đường, đạm, chất béo trong dạ dày và ruột.

Khoáng chất: Nha đam chứa canxi, natri, kali, mangan, magnesium, đồng, kẽm, crôm và selen chống ôxy hóa. Mặc dù các khoáng chất và nguyên tố vi lượng này chỉ cần với số lượng rất nhỏ nhưng cần thiết cho hoạt động của các enzym trong quá trình trao đổi chất.

Đường: Đó chính là lớp nhầy bao quanh lớp gel bên trong thân cây, được gọi là mucopolysaccharides (thành phần gồm glucosamine, chondroitin và hyaluronic axit, đây là những chất chính tạo nên chất hoạt dịch, đường đạm ở trong khớp xương). Ngoài ra, nó còn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch và khử độc.

Hợp chất anthraquinones trong nhựa nha đam sẽ kết hợp với các ion calcium trong đường tiết niệu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước tiểu giúp ngừa bệnh sỏi niệu.

Lignin: Là chất giúp thấm sâu và luân chuyển cùng với các yếu tố khác mà nó liên kết. Đây là lý do nhiều sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm được bào chế chiết xuất của cây nha đam.

Chất saponin: Chất này chiếm khoảng 3% trong thành phần gel của nha đam, có khả năng làm sạch và có tính sát trùng. Ngoài ra, saponin còn có tác dụng thanh lọc những độc tố trong cơ thể.

Axit béo: Gồm có 4 loại steroid thực vật: cholesterol, campesterol, B.sisosterol và lupeol. Chúng là những tác nhân kháng viêm cực kỳ quan trọng và hiệu quả.

Axit salicylic: Một hợp chất giống như aspirin, nó có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn.

Acid amino:

Cơ thể con người cần phải có khoảng 22 axit amino. Gel của nha đam chứa khoảng 20/22 acid amino cần thiết đó. Trong đó, có 7 loại acid amino cơ thể không thể tự tạo ra mà phải nhờ vào sự hấp thụ từ các thức ăn uống hàng ngày.



Tác giả: ThS. Bảo Đông (Tổng hợp)
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 146 ngày 12/9/2010


+Goto:
>>đầu trang.
>>danh sách bệnh.
>>hỏi đáp y học.
>>trang chủ.


rating


BẢN QUYỀN CỦA
chapcanhtinhyeu.wap.sh
Creat by LE VAN TOAN
duyphuoc_duyxuyen_QN



Old school Easter eggs.